top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

6. Kí Ức Tuổi Thơ

Updated: Jun 23, 2020



Mùa hè 1969, TCV Phước Lâm tổ chức phát thưởng, kết thúc năm học 1968-1969, có mời một số cha quanh vùng tới dự.

Mình được giải nhất môn Việt văn (thầy Quế dạy). Lúc lên lãnh thưởng, mình thấy các cha cứ nhìn nhìn chỉ chỉ. Tới lúc ăn cơm, cha Giám Đốc xuống ghé vào tai mình: - Con có muốn nhận cha già đầu bạc kia làm cha bảo trợ không?

Thằng nhỏ chẳng biết “cha bảo trợ” là cái giống gì, cứ cười trừ thôi. Cơm nước xong, cha Linh Hướng dắt cha già đến giới thiệu. Cha già xoa đầu mình rồi bảo: - Hôm nào nghỉ hè thì về xứ cha nhá. Cha đang coi xứ Tân Phước, cách đây ba cây số.Cứ leo lên xe Lam bảo nó chở tới nhà thờ Tân Phước.


Nghĩ lại thấy cũng tủi thân. Thằng bé nhà quê nhớ nhà suốt ngày cấm khẩu, cái mặt đưa đám nên chẳng ai ưa, không cha thày nào nhận làm con.Cha GĐ và cha LH phải mai mối cho nhận cha già. Con 12 tuổi, bố 65 cọc cạch quá.Nhưng thôi, dù sao cũng có bố có con với người ta…


Nghỉ hè, thằng nhỏ vâng lời, xách vali, đón xe Lam đến xứ Tân Phước. Đây là làng quê vùng biển. Cha già coi xứ này có một năm. Mình ở đó hai tháng hè nhưng vẫn nhớ vài kỷ niệm.


HẦU CƠM Hồi đó, mình chưa được ăn cơm với các cha. Nhiệm vụ của mình là dọn cơm lên và thu chén bát xuống rồi ăn cơm với cô bếp. Cô bếp tên Uyển, hình như bị chồng bỏ nên hơi tưng tưng. Thỉnh thoảng cô lên cơn lên nhảy múa trên nhà cơm. Các cha xem chỉ cười chứ không chấp.Lúc các đấng ăn cơm, mình và một chú giúp lễ (Sắc lớp Don Bosco) phải đứng sau lưng quạt hầu, mỗi đứa hầu một cha. Có đấng nào sai việc gì thì bỏ quạt lên bàn, ba chân bốn cẳng chạy đi lấy tiêu, ớt, hành, tỏi. Cứ mỗi lần bỏ cái quạt xuống, thằng nhỏ lại bị chửi te tua. 10 lần đủ chục. Người cứ quát ầm ầm. Thằng nhỏ sợ hết hồn mà chẳng biết bị chửi vì tội gì. Lớn lên, ngẫm lại, nó mới nghiệm ra nguyên nhân là cái quạt. Cái quạt của cha già là quạt lông ngỗng màu trắng cong cong khá đẹp, lúc để xuống bàn phải để ngửa lên, để úp xuống sợ gẫy cái đầu lông. Nếu được giải thích , chỉ một lần là nhớ. Đây cứ chửi rầm rầm, có hiểu cái gì đâu mà làm theo. Vì vậy khi muốn trẻ làm gì hay không được làm gì thì trước tiên phải giải thích lý do, vì sao nên làm hay không nên làm việc đó. 2 THÁNG KHÔNG TẮM

Cả nhà xứ chỉ có một cái cầu tiêu và một nhà tắm bé như hai lỗ mũi, tối, hôi và nóng lắm. Thằng nhỏ nhát như con thỏ không dám tắm, sợ vô phép, sợ ma, cứ tắm khô, tắm gió suốt hai tháng hè. Ngày kia ngứa quá không chịu nổi, nó sang nhà bạn Bốn (học cùng lớp) năn nỉ xin tắm nhờ. Ôí trời, da và ghét ở đâu cứ tróc ra từng mảng, như tắc kè lột da. Tắm xong thấy người nhẹ đi cả kí lô.

QUÂN VÔ ĐẠO

Trưa hôm đó, cả nhà xứ đang nghỉ trưa thì nghe cha xứ quát tháo rầm rầm. Mọi người túa ra đàng trước theo cánh tay cha xứ chìa ra từ cửa sổ: hai anh chị khuyển hiên ngang dắt nhau lên tiền sảnh nhà xứ, long trọng thi hành nhiệm vụ truyền giống. Cả xóm nhà thờ lục tục kéo ra xem như xem xiếc. Mấy ông trùm lăng xăng giải quyết sự cố. Ông cầm đuôi, ông cầm chân kéo. Chúng nó vẫn cứ yêu nhau khắng khít. Cuối cùng một ông chạy về lấy cái đòn gánh, tính thọc vào giữa, khiêng thốc lên. Nhưng có một chàng trai thông minh hơn cầm vốc muối thả vào chỗ hiểm. Cặp tình nhân Romeo- Juliet đành phải đau khổ rời xa nhau, vừa tháo chạy vừa quay lại chửi ăng ẳng.

Một buổi chiều, cả xứ đang chầu Mình Thánh. Thằng cẩu nhà ai chui vào nhà thờ, leo lên tới gian cung thánh, ngơ ngáo nhìn mọi người. Cả nhà thờ nhốn nháo. Mình đang ở trong phòng áo liền vọt ra, nhanh trí ne nó vào phòng áo, đóng cửa lại. Chầu xong, mình vừa dọn đồ chầu, vừa phải dọn “đồ lưu niệm” của thằng cẩu tại góc phòng áo. Loài cẩu ở đây toàn là quân vô đạo. BẪY CHIM

Một hôm, cha già dạy mình cách bẫy chim. Thằng bé cặm cụi làm cả buổi sáng: lấy dao díp thật sắc, cắt tăm tre ra làm đôi, vót nhọn hai đầu, buộc chỉ vào từng chiếc que nhọn đó. Sáng hôm sau, thằng bé đem một giùm móc câu ra bãi biển, cột từng sợi vào que cắm sát mé nước, lấy tép găm vào từng móc câu rồi ngồi rình xa xa. Chim biển sà xuống ăn tép sẽ bị mắc họng. Thằng bé cứ ung dung tóm từng con về chiên dòn. Cha con tha hồ đánh chén. Nhưng đợi cả buổi sáng chẳng thấy con ma nào ăn mồi, chỉ thấy cá chuối vàng nằm cuộn tròn rải rác khắp bãi biển. Dân ở đây sống thiên nhiên, ít nhà có cầu tiêu. Cứ chạng vạng sáng hay nhá nhem tối, từng bóng đen âm thầm đi ra bãi, ngồi hóng gió một lúc lại âm thầm đi về, không quên để lại món quà cúng Hà Bá. Đấy là cái thú ỉa đồng. “Nhất tắm sông, nhì ỉa đồng” mà lị. Đêm, thủy triều lên lau lia sạch sẽ. Nhưng sáng ra tắm sớm, coi chừng hớp phải cá vàng.


ANH EM NHÀ PHAOLÔ



GX Tân Phước có ba anh em tcv Xuân Lộc: * Anh Bốn, lớp Toma Thiện, nhà gần nhà xứ, hiện sống tại rừng gai gần bờ sông, gần chiếc đình có đầu trâu. * Anh Sắc, (lớp Don Bosco), hiện định cư tại nước ngoài. * Anh Thuần (lớp Don Bosco) chính là Quốc Sĩ, chàng ca sĩ nổi tiếng bên Hoa kỳ. Vậy anh em nào bên đó có gặp Quốc Sĩ thì nhớ nắm áo hỏi: “Cậu có phải là Thuần, quê Tân Phước, trước có học tcv Phaolô? Liệu về mà trình diện anh hai Sứ”.

* Sau này mới biết Tân Phước còn có anh Thành lớp Mẹ Vô Nhiễm.


Tân Phước 2 thuộc quyền cha cố Sự, có chú bé lùn tịt, mỗi lần thấy chủng sinh đi xuất du qua rừng sim hay đồi Khe Sanh, chàng ta nhìn theo hết sức kính phục, ngày đêm mơ được vào học chủng viện. Mùa hè 1970, chàng ghi tên dự thi và đậu vào chủng viện XL. Chú bé đó là Mai Hữu Thể, lớp Đông Boscô hiện lập dòng tại Canada với mẹ bề trên và hai đệ tử.



Cuối năm 1969, cha bố đổi đi xứ khác. Từ đó đến nay, mình chưa có dịp nào về thăm lại xứ đạo năm xưa. Dù ở có hai tháng, nhưng vẫn nhớ những buổi trưa ngồi đợi cơm. Tiếng gà gáy trưa thân thuộc, tiếng mẹ ru con yên ả, tiếng nhạc quê hương rộn ràng bên hàng xóm, tất cả hòa âm thành khúc dân ca rền rĩ khó quên.Nhớ món mực luộc tươi rói chấm mắm tôm chanh. Nhớ cả mấy cây me cổ thụ ở sân nhà xứ. Gió biển về, lá me bay. Nhưng nhớ nhất là hương hoa sứ. Ngay cửa sổ phòng mình có cây sứ thật to. Hoa sứ phả hương thơm vào khắp nhà, ảm vào quần áo, đồ dùng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, mùi hương hoa sứ làng quê vùng biển vẫn còn phảng phất trong tâm trí.

6 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page