top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

5. Ăn Cơm Nhà Đức Chúa Trời

Updated: Jun 23, 2020


(Hình: Nguyễn Thương)


Cơm Sáng

6 giờ sáng, các cha các thầy từ trên lầu đi xuống. Các chú từ phòng học đi ra. Tất cả im lặng cùng đổ vào một địa điểm: nhà cơm. Không nơi nào thể hiện đúng từ “gia đình chủng viện” cho bằng tại nhà cơm. Từ cha Giám Đốc đến chú lớp 6, tất cả ăn cùng một nồi cơm trong cùng một mái nhà. Bữa sáng, quanh năm chỉ ăn cơm với một món như muối mè, dưa chua…Món thường niên là muối mè có pha ít đậu phộng. Lâu lâu ăn một lần thấy ngon, nhưng đây “trường kỳ kháng chiến” nên ngán lắm. Nhiều bữa ngồi nhai cứ ngỡ đang nhai mùn cưa.Đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh thì có cháo gà, bánh mì.

Mấy năm học tại Phước Lâm, có một món lên hàng “number one” là sữa heo. Ôi chao ! Sáng nào có món sữa heo coi như đại lễ. Tất cả các nồi cơm đều bị cạo sạch sẽ. Các chú í ới xin cơm. Mồm mép chú nào cũng ngoe ngoét sữa, chóp chép, liếm láp cho bằng sạch… Cũng tại chủng viện Phước Lâm, năm đệ Thất (lớp 6), mình nhớ mãi mấy bữa cơm sáng. Nồi cơm chỉ vừa 4 chén cơm. Hai tên đầu lấy cơm vừa đủ. Tên thứ 3 vét sạch luôn. Tới lượt mình chẳng còn hột nào. Thằng bé ngồi khóc, nước mắt nước mũi dàn dụa. Chung quanh anh em ăn uống ngon lành, chỉ có mình nhịn đói nên tủi thân vô cùng. Cảnh đó thỉnh thoảng lại tái diễn . Hồi ấy còn nhỏ, nhát lắm, chẳng dám trình với các đấng để xin thêm cơm. Ông bà có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy. Mấy tháng đầu , các chú còn sống “hoang dã”, chưa biết nghĩ tới anh em. Nếu mình nhớ không lầm thì anh bạn đó “go out” khá sớm.


Trang đầu tiên Nhật ký tâm hồn của Tloi năm 1968


NHÀ BẾP CHỦNG VIỆN PHƯỚC LÂM

Hai bà sơ nấu cơm chủng viện tên là Ga và Nha, thuộc dòng Đaminh Phước Tỉnh. Có mấy người phụ việc nhà bếp là anh Chôm, chuyên gia máy Kohler, bơm nước từ cái ao sau nhà chơi. Đây là nguồn nước ăn uống, tắm giặt của cả chủng viện. Nghe đồn trâu bò có lần xuống tắm ở đó. Năm ấy, cha Giám Đốc thuê người giộng giếng nhiều lần nhưng không có nước, đành sài tạm nước ao. Năm 2001, anh em lớp mình về thăm lại chủng viện xưa, cha cố Đoàn và cha Sơn dẫn bọn mình đi xem giếng mới khoan ngay tại sân chủng viện, gần cổng ra vào. Dòng nước ngon ngọt liên tục đùn lên cách mặt đất 0,5m. Vậy mà hồi xưa cứ đào phía nhà bếp nên không có nước. Nhà bếp còn có một ông lực lưỡng, không biết tên gì, các chú cứ gọi là ông Samson. Sau nhà thờ Phước Lâm có một cây cổ thụ. Người ta cưa đốn đi. Ông này ở trần,vác những khúc cây thật to về bổ ra cho các dì nấu cơm. Từ đó các chú đặt tên cho ông là Samson.



CƠM TRƯA

Đầu giờ cơm, cha Giám Đốc đọc: “Xin Chúa chúc lành- Xin Chúa chúc lành. Lạy chúa, xin chúc lành cho chúng con và những của Chúa ban cho chúng con đây do lòng rộng rãi của Chúa, chúng con sắp được lãnh nhận, nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con - Amen.”

Sau đó, mọi người im lặng nghe đọc “Gương Chúa Giêsu”. Hết đoạn sách, mọi người bắt đầu ăn cơm nhưng vẫn phải im lặng để nghe đọc truyện: “Vô gia đình”, “Mùa hè đỏ lửa”… Đầu tháng, nghe chánh tràng đọc “Qui luật các tiểu chủng viện giáo tỉnh Saigon”.Khoảng 15 phút sau, cha Giám Đốc ấn chuông và đọc “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa - Tạ ơn Chúa”. Lúc đó mới được nói chuyện. Bộ đồ ăn chủng viện toàn hàng Mỹ, từ nồi cơm, tô canh, chén, đĩa đến đĩa ăn, muỗm, xiên. Cơm trưa và chiều bao giờ cũng có ba món: thịt, cá hoặc trứng, rau xào và canh. Trong ngày đại lễ, đồ ăn ngon hơn và thêm món chuối tráng miệng.

Cơm xong, các chú cầm muỗm, đĩa của mình đi rửa. Đĩa ở Phước Lâm trong suốt. Đĩa ở Long Khánh màu trắng đục như sữa. Thỉnh thoảng lại nghe cái “choảng”: ai đó đánh rơi đĩa vỡ tan tành thành từng mảnh như hạt ngô. Chú nào đánh vỡ phải bỏ tiền túi ra đền.

CƠM TỐI

Sau giờ chầu, mọi người đi thẳng vào nhà cơm. Buổi chiều, các chú thích nhất là món trứng luộc. Mỗi chú được nguyên một quả trứng vịt, dằm ra, xịt vô tí nước mắm, trộn đều với cơm, ăn quên chết. Những hôm đó, chai nước mắm nào cũng bị dốc cạn khô, cơm chẳng dư một hột.Cũng có anh như Cư Dom, Trung Mai ăn cơm với nước mắm. Qủa trứng luộc thành món ăn chơi, ăn sau cùng cho đã. Trước khi kết thúc giờ cơm, chánh tràng đi một vòng xem anh em ăn xong chưa. Anh đứng cúi chào trước bàn các cha. Cha Giám Đốc ấn chuông, mọi người đứng lên đọc kinh tạ ơn. Những năm đầu, chánh tràng là anh hai Huỳnh Ngọc Xinh, biệt hiệu Xinh Chồ, Xinh Trùm. Anh có thân thể rắn chắc, cặp giò nở nang, dáng đi mạnh mẽ, mắt đeo kính đen, nói giọng Nam bộ. Những năm sau anh hai Vũ Đình Hiệu lên thay Huỳnh Ngọc Xinh. Anh hai Hiệu dáng người cao lớn, nước da trắng mịn, nụ cười hiền hậu, dễ mến. Anh luôn đứng đầu lớp trong bảng xếp hạng hàng tháng. Sau khi lớp Tôma ra trường, anh Vũ Xuân Ninh lên làm chánh tràng. Cuối cùng, anh Đỗ Trọng Quang bao chót chức này cho đến ngày tan đàn xẻ nghé. Mới đây, anh Quang tếu táo rằng:

“Tôi vẫn là chánh tràng, vì chưa hề bàn giao cho lớp dưới”.

DẠ YẾN



Có năm gần lễ Giáng Sinh, cả chủng viện đang náo nức chuẩn bị tâm hồn và làm hang đá, làm kiệu Chúa Hài Đồng, cha Giám Đốc khích lệ đàn con bằng lời hứa rất hấp dẫn: “Đêm Giáng Sinh năm nay, các con sẽ được ăn dạ yến”. Tới ngày lễ, sau cuộc rước kiệu Chúa Hài Đồng và thánh lễ đêm thật sốt sắng, các chú hăng hái vô nhà cơm thưởng thức dạ yến. Té ra là cháo gà. Cháo thì có, còn gà, kiếm mỏi mắt mới thấy vài miếng nho nhỏ. Thế thôi, nhà khó, con đông hàng mấy trăm đứa, có cắt tiết vài chục con gà cũng chả bõ bèn gì. Gà chỉ lội vào nồi cháo cho có hơi rồi nhảy ra.



Nói đến chuyện ăn uống, cũng phải bàn về tiền bạc, học phí. Mình còn nhớ năm đầu tiên (1968) đóng $8.000/năm. Sau lên Xuân Lộc, đóng $10.000/năm. Số tiền đó khá lớn đối với gia đình mình. Cha mẹ, anh chị em phải đổ biết bao mồ hôi trên ruộng đồng mới gom đủ cho mình ăn học. So với thời giá hiện nay không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không đủ. Địa phận và Tòa Thánh có lẽ phải bù gấp mấy lần như thế. Vì vậy, hàng năm các lớp phải chụp hình để Đức Cha bá cáo lên Tòa Thánh.

Viết tới đây, mình nghe thấy giọng nói thân quen của cha Linh Hướng: “Ông Loi ăn cơm mòn bát mòn đĩa nhà Đức Chúa Giời những 12 năm, không đắc đạo thì thôi, ra đời nhớ sống xứng đáng, đừng có ăn ở buông tuồng mất nết như quân vô đạo mà ăn lý đoán Đức Chúa Giời nghe không ông Loi!”

5 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page