top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

28. Tôi Viết Thánh Ca

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường như bao gia đình khác tại làng Phúc Nhạc, Gia Kiệm. Cha mẹ tôi gốc gác từ làng Phúc Nhạc, Ninh Bình ngoài Bắc. Ông bà gồng gánh vào Nam trong cuộc Di cư vĩ đại sau Hiệp đình Geneve 1954.



Ông Ngoại tôi là tay hát Chèo có tiếng thời ấy. Ông lập một gánh hát Chèo trong làng. Mỗi đêm trăng sáng, dân làng tụ tập xem hát Chèo Bà Thánh Đê (Thánh nữ tử đạo cùng làng, Anê Lê Thị Thành). Thiếu vai nào, Ông đóng luôn vai đó. Ông rất giỏi thơ văn và biết chơi nhiều nhạc cụ.


Bà Ngoại tôi là bà dòng tu xuất. Trong họ có một ông làm linh mục. Em ruột ông Ngoại đi tu chịu tới chức Sáu, đã sắm áo lễ, chén thánh, chuẩn bị chịu chức LM. Sáng sớm ông phi ngựa tập thể thao, bị ngã ngựa dập lá mía. Máu mũi chảy nhiều.Dân làng giã lá tre lấy nước cho ông uống cầm máu. Máu đóng cục trong mũi, ông chết vì không thở được.


Dòng máu nghệ sĩ của Ông Ngoại chảy sang cậu tôi. Cậu làm trưởng hội Dây Ống (hội Bát Âm). Cậu biết chơi đủ loại nhạc cụ: đàn nhị, hồ, đàn bầu, violon, sáo, trống nhỏ, trống cái, thanh tuyền, kèn nam…Xem cậu tập đàn cho hội Dây Ống mới thấy hồn nhạc của cậu lai láng biết bao. Cậu đứng giữa nhà, vây quanh là mấy chục môn sinh hòa tấu đủ loại nhạc cụ dân tộc. Tay vẫy nhịp,toàn thân nhún nhảy, mắt lim dim thả hồn theo giai điệu bản nhạc…Đây là dàn nhạc dân tộc, theo phong cách dàn nhạc Cung đình Huế ngày xưa.Ngoài những bản nhạc đạo, còn chơi những bản nhạc dân tộc cổ như: Lưu Thủy, Bình Báng, Lâm Khốc Thượng, Lâm Khốc Hạ, Xuân Nữ, Xuân Ai…Lúc biểu diễn, mọi người mặc áo dài trắng, đội nón dứa (kiểu nón cổ ở Huế). Các em nhỏ chơi nhạc cụ bộ gõ. Các em mặc áo dài có những dải vải màu đỏ, vàng, chân quấn xà cạp, lưng gắn cặp cánh Thiên Thần. Vừa chơi nhạc vừa nhảy theo điệu nhạc trông rất linh động, không khác gì dàn nhạc cung đình của vua chúa ngày xưa. Tiếc thay, sau này cha xứ (không biết gì về âm nhạc) đã giải tán Hội của cậu. Cậu đau buồn bỏ xứ ra đi…



Tôi là đời thứ ba thừa hưởng chút hồn nhạc của ông Ngoại. Ngay từ nhỏ tôi đã mê âm nhạc, thích nghe tân nhạc trên radio. 1 giờ trưa, tôi hay nghe chương trình nhạc Giao hưởng trên đài Phát thanh Sài Gòn, dù không hiểu gì nhưng vẫn mê.


Vào Chủng viện Phước Lâm, giờ tôi thích nhất là 15 phút thày Hoàng tập hát trước giờ cơm trưa. Lên Chủng viện Xuân Lộc, thày Sáu Lâm Văn Thế phụ trách giờ này, mỗi tuần một buổi. Còn cha giáo nhạc sĩ Phạm Liên Hùng đặc trách thánh ca. Ngài tuyển mỗi lớp một đứa cho học đàn Harmonium. Tôi mê đàn lăm lắm nhưng không được học, chỉ được chọn vào ban solo. Tôi đặc biệt thích nhạc Beethoven và tiếng đàn của anh Bình Chày. Giờ chầu, giờ lễ, nhiều lần bị mê hoặc vì giai điệu sang trọng và tráng lệ của những bài nhạc Cổ Điển. Ngón đàn tuyệt chiêu của anh Bình Chầy nhiều lần làm toàn thân tôi tê dại (tê dại theo đúng nghĩa đen), linh hồn bay bổng lên chín tầng trời…Tôi mượn mấy tập nhạc Classic của bạn Vương Vĩnh Phúc và cặm cụi chép vào vở, lấy dòng kẻ vở làm dòng kẻ nhạc. Chép đầy 3 cuốn những bài yêu thích nhất. Những lúc rảnh rỗi, đầu tôi vang lên những giai điệu Cổ điển tươi đẹp. Để dễ nhớ, tôi chế lời ngây ngô như: “Mẹ bố đứa nào đánh tao u đầu…”.Năm sau, khả năng xướng âm khá hơn, tôi ghi nhớ đoạn nhạc bằng nốt nhạc: “fa la sol fa la sol mi do…”.Khi viết nhạc, tôi không cần nhạc cụ nào cả. Tất cả diễn ra trong đầu. Xong xuôi mới chép ra tập nhạc và chơi đàn để sửa chữa.Vì vậy tôi có thể sáng tác bất cứ lúc nào: ngồi chơi, ăn cơm, đạp xe, cuốc đất… Không ít lần nửa đêm phải dậy chép lại kẻo quên.


Sau năm 1975, cây đàn tập năm xưa kê trong nhà nguyện bỏ hoang. Mỗi sáng chúa nhật, tôi ngồi ôm cây đàn suốt 3-4 giờ liền.Linh hồn chìm đắm trong âm nhạc Cổ điển tới khi tim bị âm thanh ép tới ngạt thở hay lúc hạt cơm cuối cùng trong bụng trôi đi mới lê bước về phòng.


Thời gian này tôi bắt đầu nghiên cứu âm nhạc và tập tành viết nhạc. Đứa con đầu lòng là bài Hòa Bình Ca, sau đó là Xuân Đang Về. Bản thánh ca đầu tiên cũng ra đời: Niềm vui rước Chúa, được ca đoàn đón nhận. Tôi lần lượt gửi một số bài nhờ cha giáo Hùng - đang coi xứ Trinh Vương - chỉ giáo. Ngài sửa bài và in trong tập nhạc của ngài.

Năm 1980, sau khi học xong Triết học và Thần học, tôi về Gia Kiệm dạy học, học nhạc, học đàn, trống, tập hát ca đoàn và nghiên cứu âm nhạc. Đây là thời hoàng kim trong cuộc đời sáng tác. Tôi viết thánh ca, nhạc thiếu nhi và tình ca.



Cha Vinh sơn Đặng Văn Tú, trưởng ban Giáo lý Giáo phận gọi tôi cộng tác viết nhạc trong chương trình Hồng ân huấn giáo của Giáo phận. Tôi viết khoảng 500 bài, gồm 300 bài theo từng đề tài giáo lý và 200 bài theo chủ đề Lời Chúa chúa nhật và lễ trọng. Tất cả được quay roneo, một số được thu âm trên băng Cassette phổ biến cả Giáo phận và tập hát trong các giờ giáo lý. Thỉnh thoảng cha Trưởng ban làm một chuyến lưu diễn. Thày trò lên xe đi biểu diễn tại các Giáo phận bạn. Đài Chân lý Á châu thời đó có phát sóng một số bài. Có lần Cha đưa tôi làm 60 bài trong thời hạn 2 tuần. Tôi bỏ hết mọi sự, chúi mũi vào làm từ sáng sớm đến khuya. Có ngày lập kỷ lục: 8 bài. Làm xong đợt đó tôi bị choáng, tâm trí thẫn thờ, đầu óc quay cuồng, phải nghỉ ngơi một thời gian mới bình tâm lại được.


· Tôi viết một bộ dâng hoa theo âm hưởng Tây Nguyên, trong đó có bài Tiến Hương và Tiến Hoa Tây Nguyên, sau này được nhiều nơi sử dụng mỗi dịp tháng Hoa về.

· Năm 1990. Đức Cha PM Nguyễn Minh Nhật phát động 10 năm Truyền Giáo. Ban Thánh Nhạc tổ chức thi viết thánh ca về Truyền Giáo. Bài Lệnh Truyền Giáo đạt điểm cao nhất.

· Năm 1990. Giáo phận mừng Ngân khánh thành lập. Bài Tất Cả Là Hồng Ân, thơ LM Thanh Quân, nhạc MNV thành bài ca chính thức, được thu âm và phát tại nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc mỗi dịp đại lễ.

· 3g chiều ngày 13/3/1990, tôi ngồi ôn lại quãng đời đã qua với muôn vàn hồng ân Chúa ban. Giai điệu mới nổi lên trong đầu. Tôi ngồi viết liên tục trong 3 giờ thì xong. Bài Khúc Cảm tạ ra đời.

· Một số bản thánh ca khác cũng ra đời trong thời gian này (1980-1993): Nỗi lòng Ađam, Ađam-Evà, Lên đường hành hương, Đường đời có Chúa, Dòng đời, Mộng đời, Bài học khiêm nhu, Diệu huyền, Tình Ngài, Ước mơ, Mùa Noel,Tình ca Thập tự,Tình khúc dâng Mẹ,Tình con, Lời kinh của Mẹ, Mừng chư Thánh

VN,Tình yêu mời gọi, Xin ngự đến, Đợi nắng, Lời kinh thống thiết,Thương nhớ mẹ cha…

· Năm 2004 một lần ăn cưới cháu tại nhà hàng ở Sài Gòn, tôi gặp CS Tấn Đạt làm MC. Tấn Đạt bảo:

- Bài Khúc cảm tạ của anh được giới trẻ Sài Gòn mê lắm. Chúng thu âm, hát trong nhà thờ, trình diễn trên sân khấu, hát sinh hoạt ngoài trời um sùm…

- Tớ là Hai Lúa ở quê có biết gì đâu.

· Năm 2006, Nguyễn Đình Phương Tứ gọi cho tôi:

- Giới trẻ yêu thánh ca mới lập một trang web thánh ca đầu tiên tại VN lấy tên là “khuccamta.net”. Chúng cháu hỏi thăm khắp nơi, không ai biết Mai Nguyên Vũ ở đâu. Chúng cháu xin phép lấy bài Khúc cảm tạ của chú làm bài ca chính thức.

Từ đó, mỗi năm đến lễ Mẹ Vô Nhiễm, khuccamta.net lại mời tôi tới dự trình diễn thánh ca mừng sinh nhật khá “hoành tráng”. Có năm tại nhà thờ Tân Sa Châu, có năm tại nhà thờ Đaminh Ba Chuông. Thừa thắng xông lên, năm sau thuê rạp hát Hòa Bình, dự định làm thật linh đình. 7g tối, khách khứa tới thấy rạp hát đóng cửa im lìm. Tôi gọi cho Tứ:

- Sao vậy Tứ?

- Cháu xin lỗi chú vì không được phép diễn.

- Không xin phép à?

- Chúng cháu xin phép cả tháng trước. Họ bảo cứ làm đi. Chúng cháu thuê ca sĩ, thu âm, thuê đạo diễn, âm thanh, ánh sáng…tất cả hết 300 triệu…1g chiều nay họ gọi điện báo không được diễn.


Sau cú “sập bẫy”, khuccamta.net rơi vào cảnh nợ nần, mất uy tín và từ từ tan rã. Các thành viên tách ra lập các trang thánh ca khác…


May mắn thay, bài KCT vẫn sống sót, được ca đoàn và ca sĩ khắp nơi yêu mến.


· Năm 2009 bài Ngài Yêu Đến Cùng được hát trong dịp lễ tấn phong GM Toma Vũ Đình Hiệu. Nhạc & lời MNV, phần hòa âm của cha trưởng ban Thánh nhạc Phạm Liên Hùng, như món quà ban TN kính tặng vị GM đầu tiên của TCVXL.

(Từ 2:20)

· Năm 2014 tôi được mời cộng tác với Vietcatholic. Từ đó đến nay, Vietcatholic đã làm 10 MV nhạc MNV đặc biệt do ca sĩ MC Như Ý trình bày.

· Năm 2015, bài 50 Năm Sinh Nhật Giáo Phận được chọn làm lễ khai mạc Liên hoan thánh ca mừng Kim khánh thành lập GP Xuân Lộc.

· Cha Ngô Công Sứ bảo: “HĐGMVN yêu cầu mỗi nhà thờ chính tòa làm một video về nhà thờ của mình, tớ nhờ anh làm một bản nhạc chủ đề cho nhà thờ Xuân Lộc”.Và bài “Thánh đường thân yêu” ra đời. CS Diệu Hiền là người con của nhà thờ Xuân Lộc trình bày rất thành công. Bài hát được phát mỗi sáng tại nhà thờ trước giờ lễ và múa mỗi lần dâng hoa kính Đức Mẹ.

· Một lần cùng với anh em vào chúc tết cha giáo Uy tại trường Cao đẳng Hòa Bình, cha giáo nhờ tôi viết một bài hát về trường. Bài “Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc” ra đời, nay thành bài ca chính thức của trường.

Năm sau, cha giáo lại nhờ làm bài nữa. Tôi viết bài “Trường em”.

Hiện nay tôi chuyển qua viết văn, chỉ viết nhạc khi thật nhiều cảm hứng.

Xin tạm tổng kết: 45 năm viết nhạc (1975-2020):

- 300 bản thánh ca. (Tất cả đều có imprimatur).

- 500 bài ca giáo lý thiếu nhi.

- 200 tình ca & các thể loại khác.

Xin chân thành tri ân những người đã một lần cùng tôi ca ngợi Thiên Chúa bằng những khúc ca mộc mạc, dung dị.

17 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page