top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

26. Giúp Xứ Chính Toà



Năm 1979, tôi vâng lời cha Giám Đốc ra giúp thiếu nhi nhà thờ Chính Tòa. Thực ra, tôi nghe lời dụ dỗ của thày Huấn nhiều hơn, vì thày nói ra giúp ngoài đó khỏe lắm… Mỗi sáng chúa nhật, thằng bé đạp xe ra tập hát cho thiếu nhi, phụ trách hát lễ, sau lễ dạy giáo lý và sinh hoạt. Tập hát, hát lễ thì OK rồi, còn sinh hoạt, nhảy nhót không hợp với tôi lắm. Biết vậy nghe lời cha GĐ ở lại tập hát cho CĐ thiếu nhi Thánh Mẫu khỏe hơn. Sau này, thày Hiểu kể rằng: cha GĐ hỏi ý kiến thiếu nhi Thánh Mẫu, các em đều thích thày Loi. Tiếc.


Hơn một năm giúp ngoài nhà thờ Chính Tòa cũng có vài kỷ niệm. Trung Thu năm đó, mình mua chục ký bắp vàng, nhờ một người nổ bắp làm quà cho thiếu nhi. Thời đó các lò nổ bắp mọc lên khắp nơi. Xóm nào cũng có vài lò. Lấy bạt che góc sân, đầu hè, đặt một bếp than, mua bình ga, cưa khúc trên làm nắp, chế gioong và chốt cho kín hơi. Bỏ bắp vào rồi quay liên tục trên than hồng. Khi bắp chín thì mở chốt. Không khí trong bình bị thay đổi áp suất đột ngột phát nổ như lựu đạn. Bắp bắn ra thành hàng trăm bông hoa trắng thơm ngon. Người ta phun nước đường vào cho thêm phần hấp dẫn. Ngày ấy đói nhăn răng, chẳng có gì làm quà. Bắp nổ nổi lên thành món quà bình dân, rẻ tiền, thơm ngon, ai cũng khoái…


Sáng chúa nhật, mình chằng hai bao bắp nổ vào xe đạp, đạp ra nhà thờ Chính Tòa. Dọc đường Hùng Vương, ai cũng nhìn mình cười toe toét. Tôi cũng nở nụ cười chào lại dù chẳng quen nhau bao giờ. Lạ quá! Hôm nay mình ăn mặc làm sao, hay trên mặt có nhọ nhồi ? Ai cũng cười mình là sao? Kiểm tra lại cái phẹc-ma-tuya, xoa tay lên mặt xem có dính tí nhọ nhồi nào không. Yên tâm, không có sự cố nào hết…Gần tới nhà thờ, thiếu nhi đang đi lễ cũng nhìn mình cười như thấy một hiện tượng lạ. Một em chỉ tay ra phía sau xe: “Thày nhìn kìa”. Tôi ngoái lại. Chúa ơi ! Một vệt dài trắng xóa phía sau xe. Hai bao bắp nổ bị lủng đít vì cà vào bánh xe , xổ bắp ra dài dài đường Hùng Vương. Ôi 10 ký bắp nổ, tiền túi của tôi rải đường cúng cô hồn hết rồi.


Sáng chúa nhật nào Tloi cũng thấy một nàng xinh đáo để, diện áo dài thướt tha từ đường Nguyễn Công Trứ ra đi lễ thiếu nhi. Nhìn sao hiền mà tươi mát quá, muốn làm quen lắm nhưng chẳng dám đến gần vì…nhát gái. Thằng bé về kể chuyện với anh em trong Chủng viện. Cu Tròn liền rút trong bóp ra tấm hình:


(Hình: Văn Cư)


- Phải em này không?

- Ừ đúng rồi.

Hắn ta lại đầu giường, lôi ra một tờ ru-ki vẽ em đứng dưới dàn nho, có hình tháp chuông nhà thờ phía sau.

Vậy là “ván đã đóng thuyền”, mó vào vãi tội.


Qua năm 1980, đôi bạn trẻ Văn Cư và Lương Duyên dắt tay nhau lên bàn thờ, thề sống mái bên nhau trọn đời. “Sôi sế sì sôi, anh thin nàm người đến thau”(Nhái tiếng Dốc Mơ: “Thôi thế thì thôi, anh xin làm người đến sau”).


Thuở ấy, Tloi quen một em khác, xinh xắn, giỏi giang, mới học xong lớp 12. Dù chưa một lần nắm tay hay thề non hẹn biển nhưng đã có ý định chung sống với em. Tôi ra nhà em mấy lần, rủ em đi học đại học. Em cho mượn hồ sơ xin dự thi. Tôi âm thầm viết đơn, khám sức khỏe và nộp đơn thi vào Nhạc Viện Sài Gòn, khoa Thanh Nhạc. Mình thả hồn vào cõi mộng mơ: anh học Nhạc Viện, em học Sư Phạm. Chiều chiều dìu nhau đi dạo dưới bóng cổ thụ thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông. Ra trường mình cưới nhau…


Buổi đầu thi hát. Tôi hát bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Bài này tương đối nhẹ nhàng, tình cảm, đỡ “máu lửa” hơn luồng nhạc Đỏ mới soán ngôi, đang nổ tung tóe trên các chùm loa phường với những bài Tiến Về Sài Gòn, Đất Nước Trọn Niềm Vui, Cô Gái Vót Chông, Giải Phóng Miền Nam, Bão Nổi Lên Rồi… NS Quốc Trụ ngồi chấm thi với một giàn giám khảo. Ông trả tôi thẻ dự thi có ghi chữ R màu đỏ trên góc. R có lẽ là “rớt” hay “rồi”. Lúc đó mình nghĩ là rớt, nhưng sau nhớ lại: Quốc Trụ là dân Bắc kỳ không dùng chữ “rớt”, phải dùng chữ “trượt” mới xứng với cọng rau muống thò ra. Ông hẹn tuần sau thi môn Văn. Một chàng trai bám theo tôi cứ khen “đẹp trai”. Tên này chắc bống.Tôi đi một vòng Nhạc Viện, nơi đâu cũng thấy học trò đang luyện thanh, giọng opera ông ổng vang vọng cả khu nhà. Tôi tự đánh rớt mình vì giọng hát thánh ca sền sệt không đủ trình độ hát nhạc Cách Mạng. Hơn nữa thời ấy người ta xét lý lịch dữ lắm. Gốc Bắc 54, đạo Công giáo coi như tiêu…Thế là bỏ luôn không thi nữa. Sau đó tôi xin về Gia Kiệm, không liên lạc với em nữa dù hôm gặp nhau lần cuối em dặn nhớ đến thăm. Vài năm sau nghe tin em dứt áo đi tu…

Năm 2016, cha Ngô Công Sứ nhờ mình viết một bản nhạc về nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc vì Hội Đồng GM Việt Nam yêu cầu mỗi nhà thờ Chính Tòa làm một video nói về

146 nhà thờ của mình. Tôi viết xong, nhờ CS Diệu Hiền hát vì cô ta là dân Xuân Lộc. Cha Sứ mở cho giáo dân nghe. Ai cũng thích. Họ hay mở trong nhà thờ trước giờ lễ.


Năm 2017, trong tiệc mừng 30 năm LM cha Ngô Công Sứ, các em thiếu nhi múa bài Thánh Đường Thân Yêu. Coi như là món quà kỷ niệm kính dâng nhà thờ Chính Tòa, ghi nhớ một thời phục vụ tại đây.


Hình anh giáo Hùng 36 chụp cho tại Đà Lạt 1978

11 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page