top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

24. Văn Nghệ Thời Ấy


(Hình: Văn Cư)


Nhìn cuốn NHÃ CA, một thời dĩ vãng lại cuồn cuộn trở về.

Nhớ những vần thơ tươi trẻ của nhà thơ TRẦN PHÙNG LINH DUYÊN. Nhớ nét nhạc và ý thơ rất lạ của anh CƯ RIA. Nhớ nét vẽ tài hoa của CU TRÒN …Xin cùng với những anh em từng một thời bên nhau “tay cuốc tay bút” hay nói như cha giáo Hiệp “ăn làm và ăn học” ôn lại bối cảnh sinh hoạt văn nghệ thời đó: Chủng viện Xuân Lộc 1975-1980.

Trưởng nhạc là cụ Xinh Trùm. Cụ tập hát cho một ca đoàn gồm 50 thiên thần nam còn gin nguyên. Ca đoàn ngự giữa nhà thờ Thánh Mẫu. Chắc nhiều em Thánh Mẫu thời đó mê ngón nhịp của thày ca trưởng và giọng ca ồ ề không giống ai của các thày.

Ngoài công tác hát lễ hằng ngày, các thày còn tham gia văn nghệ ngoài thị trấn. Có lần cụ Xinh dắt anh em lên hát bài “Anh vẫn hành quân”. Phong trào thời đó chuyên hát nhạc kiểu bộ đội. Anh nào anh nấy phùng mang trợn má lên mà gào rú cho thật to. Hát kiểu tình cảm nhẹ nhàng bị ghép tội ủy mị, nhạc vàng, nhạc sến.


Có lần anh em được phép Đức Cha đi xem một buổi trình diễn văn nghệ của đoàn văn công Quảng Ninh. Tất cả rất hoành tráng và chuyên nghiệp, từ sân khấu, ánh sáng, đạo cụ và các tiết mục gồm đủ thể loại nhưng nội dung chẳng có gì ngoài hai chữ “tuyên truyền”.

Hơn một năm sau, tổ số một gồm các cụ Xinh Trùm, Ngô Công Sứ, Cư Ria, Niên Già xin đi học đại học Sư Phạm tại Sài gòn. Anh em liền bầu Tloi lên làm trưởng nhạc thay cụ Huỳnh Ngọc Xinh. Cuốn Nhã Ca là tập nhạc duy nhất thời ấy được ấn hành (quay roneo chui) gồm một số bài thánh ca của nhiều tác giả, đặc biệt có mấy bài của thày Trần Di Cư và Trần Phùng Linh Duyên.Tập nhạc do thày Hùng 36 chép nhạc bằng giấy stencil và Cu Dom trình bày.Cha GĐ Nguyễn Văn Trâm chỉ cho in vài trăm bản phổ biến trong nội bộ vì thời đó tất cả mọi công việc in ấn đều bị cấm tiệt.

Giáo xứ Thánh Mẫu còn ba ca đoàn nữa:

- CĐ Thiếu nhi do thày Phạm Bất Đồng phụ trách.

- CĐ xồn xồn, gồm khoảng 20 nàng tiên xinh đẹp nhất Thánh Mẫu do anh Giáo Hùng 36 quản lý. Anh giáo quanh năm đeo kính màu hồng, ôm đàn guitar hát cho các em nghe. Em nào không “củm động” mới lạ.


Nàng Diệp là một trong các em ấy. Anh Giáo mà tu được quả là một phép lạ cả thể.

- CĐ Chiều Chủ Nhật do họa sĩ, kiêm trống sĩ, thuốc lào sĩ Đỗ Văn Cư dẫn dắt. Thày này hơi lùn, tóc quăn tít, mê nhạc hơn cả Mozart. Thày tự chế dàn trống gồm toàn đồ ve chai như xô chậu lủng, phim phổi, dây thắng xe đạp, chổi cùn, vung nồi rách. Sau những giờ lao động mệt mỏi, chàng leo lên khua trống ầm ĩ cả Chủng viện làm cho mệt mỏi tiêu tan hết…


(Hình: Văn Cư)


Cu Tròn có ngón guitar accord rất nhuyễn. Hắn ta tậu chiếc guitar xịn của anh Giáo. Tưởng rằng quẳng hố rác từ lâu, ai dè mới đây ghé nhà hắn, cây đàn lịch sử 40 năm vẫn còn mới lắm, âm thanh vẫn ngọt ngào như thuở nào. Chính cây đàn này đưa đường dẫn lối cho đôi bạn trẻ đến với nhau. Thuở í Cu đánh bạn với anh Thụy (rip), một tay guitar classic, tu ra từ lò Đông-các-cô.

Tại đây, chuyện gì phải đến đã đến. Một tiếng sét long trời lở đất đánh trúng đầu hai đứa.Một giọng ca ngọt như đường Thốt nốt đã chinh phục lái tim ông thầy nghệ sĩ của chúng ta. Thiệp hồng bay đi báo tin vui: Thày Đỗ Văn Cư sánh duyên cùng cô Nguyễn Thị Lương Duyên…


Phạm Chính Trung (lớp Mẹ Vô Nhiễm) là một tay guitar cừ khôi của làng Phaolồ. Thời gian đầu anh được gọi về học Triết với anh em. (Sau này anh chuyển qua chủng viện Gia Yên). Tối tối, Chính Trung và Văn Cu hay tổ chức hòa tấu nhạc Tiền Chiến và tình ca trước năm 1975. Mai Xuân Trung có một cây guitar accord 12 dây của Mỹ tiếng ấm vô cùng, cũng hay xách qua hòa tấu với anh em. Tloi nằm nghe nhộn nhạo cả người. Hắn quyết định sắm một chiếc guitar cũng của anh Giáo Hùng với giá 40$ tiền mới và nhất quyết học đàn. Cây đàn này đã cùng chủ nhân của nó viết nên hàng ngàn ca khúc. Nay cháu đã về hưu, đang ngự trên gác xép, chờ Sotheby s đến đấu giá.


Cu Tròn còn có biệt tài vẽ vời. Chẳng học thầy bà nào sất nhưng nét vẽ của Cu ngang ngửa họa sĩ Vi Vi thời í. Nếu hắn ta được học đến nơi đến chốn, VN lại có một cây cọ chẳng thua gì Bị-cát-sồ.Thiên tài của Cu được anh Giáo trọng dụng. Mỗi hình vẽ trên giấy stencil, mỗi tấm thiệp đám cưới được lãnh 5$. Hắn lại cầm tiền ra nộp bà Rét (Dòng Na- gia- rét ở ga-ra cổng Chủng viện) để kiếm thuốc lá hút.Vì vậy, cả Chủng viện, từ cha GĐ đến cha giáo Hiệp chỉ dám kéo thuốc lào quê hương, còn cặp bài trùng Văn Cu, Trung Mai lúc nào cũng phì phèo Con Mèo, tệ lắm cũng phải là Samit.


(Hình: Văn Cư)


Thuở ấy có hai mầm non âm nhạc mới nhú là Vũ Đức Hiệp và Vũ Đức Lợi.Hai chàng này là anh em ruột khác cha khác mẹ.


Sơ Vũ Đức Hiệp


Vũ Đức Hiệp, biệt danh Hiệp Láu, trình làng hai tác phẩm Xuân Hòa Bình Tự Do và …Còn Tloi – tức Mai Nguyên Vũ, bị Mai Xuân Trung dịch Nôm ra là Khỉ Toàn Lông – cho ra đời bài Hòa Bình Ca và Xuân Đang Về. Hai cháu bé đầu lòng được anh Giáo Hùng 36 in roneo và anh Hùng Lade (lúc ấy đang dạy học tại trường Hòa Bình) đem ra kiểm duyệt tại phòng Văn Hóa Thông Tin, đồng chí Năm Ngạn ký và đóng dấu…Sáng hôm đó Tloi xách giỏ về quê ăn tết. Vừa thò đầu ra khỏi cổng TGM, Tloi đụng ngay một em mới quen tên S, cái tên thật đẹp nghe như sương khói Đà lạt. Từ ngày mới nhớn chưa từng thấy nàng nào đẹp như thế…

Hôm ấy Tloi tới phiên gác cổng TGM. Thày ngồi dưới ban công tiền sảnh, miệng phì phèo điếu thuốc, tay ôm đàn gại vài giai điệu quen quen. Đức Thầy Đa Minh sột soạt trong bộ đồ bà ba đen tuyền đang đi dạo một mình quanh chân thánh Giuse, cái đầu nghênh nghênh, đôi mí mắt đã sụp lại sụp hơn vì Địa phận gặp biết bao thử thách. Từ ngoài cổng, hai nàng nữ sinh thơ thẩn vào hái hoa bắt bướm.



- Hai em đi đâu thế? Bộ trốn học hay sao vào đây?

- Dạ hôm nay cô giáo đi họp, bọn em được nghỉ hai tiết,thấy thầy chơi đàn tụi em vào nghe ké.

- Hai đứa thích bài nào?

- Nhìn Những Mùa Thu Đi này, Mưa Hồng này, Tình Khúc Chiều Mưa…

Thế là Tloi phải vận dụng hết tài năng mà diễn một show hết mình cho hai khán giả dễ thương…


(Hình: Văn Cư)


Vừa bước chân ra khỏi cổng, Tloi đã nhận ra S hiền dịu, duyên dáng đang cắp cặp đến trường. Tloi đi vội đuổi cho kịp và hù cô nàng một cú. S giật mình quay lại:

- Thầy làm em đứng tim luôn.

- Bắt đền nè.


Tloi liền rút trong giỏ ra bản nhạc mới in sốt sột và đề tặng S. Nàng học lớp 8 tại trường Bán công gần đó. Hai đứa gặp nhau lần thứ hai cũng là lần cuối vì 40 năm nay chưa hề gặp lại.


Lễ đêm Giáng Sinh 1978

(Hình: Văn Cư)

10 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page