top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

23. Chiếc Áo Dòng Của Tôi


(Đồng, Cư, Hiểu, Trung, Huấn)

(Hình: Văn Cư)


Năm 1975, tôi được Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng gọi chịu chức Mặc Áo. 19 tuổi lên làm thầy, mặc áo dòng đi nghênh ngang. Các em phục lé mắt. Thích lắm, nhưng áo dòng đâu mà mặc?


Cả nước đang ăn bo bo, chẳng mấy khi thấy hạt cơm trong bát. Quần áo hàng ngày chưa có mà mặc, lấy đâu ra 5m vải để may áo dòng? Tôi mới về nhà xin mẹ được miếng vải thung Thương Nghiệp bé tẹo để may quần đùi.Chiếc hòm của mẹ trống trơn rồi, chẳng còn gì mà xin với xỏ. Thời đó nhà nước bán vải theo tiêu chuẩn tem phiếu bao cấp. Mỗi người một năm được vài mét vải xấu. Chủ yếu để cấp cho cán bộ. Dân quèn hưởng sái tí vải thừa làm màu vậy thôi. Nhưng cũng chỉ được một năm là ngưng luôn. Vì vậy, nhiều người phải mặc quần cạp gấu. Có kẻ cạp lưng quần. Tệ nữa thì cạp cả gấu lẫn lưng quần. Giới nhà tu chúng tôi chẳng có tiêu chuẩn nào hết. Ai nấy tự lo lấy thân. Không thì làm A-dong, E-và.


Càng gần tới ngày, tôi càng bồn chồn như lửa đốt. Anh em có áo cả rồi, còn tôi…Cư Tròn đi Dốc Mơ về, đem khoe chiếc áo mới cáo.Người hơi ngắn, mặc áo vào thấy vuông vuông nhưng cũng ra dáng thầy tu. Mai Xuân Trung thì khỏi chê, đẹp trai chai mặt, mặc áo dòng mà mắt láo liên, đi lại như người mẫu, chả trách các em mê chết. Cụ Xinh Trùm, Ngô Công Sứ, Cư Ria, Hùng 36, Hùng Lase, cụ Niên, cụ Đoàn Tây Lai đi giúp xứ từ hai năm trước, đều có áo cả rồi. Cụ Ba Khang lôi từ hòm ra chiếc áo nhàu nát. Cụ gấp lại, gối dưới gối cho thẳng nếp, đợi đến ngày trọng đại. Thầy Hiệp Tàu kiếm đâu được mấy mét vải, may áo mới rồi, thỉnh thoảng lại mở tủ ngắm chiếc áo mới toanh, cười một mình.Thầy Hoàng Mạnh Hiểu đang kéo thuốc lào xòng xọc, phà khói um tùm, thấy anh em biểu diễn “thời trang áo dòng” cũng nổi hứng mặc áo đi lại xúng xính, ngó mông ngó ngực.

_ Được không Cụ Đội (Mai Nguyên Vũ)?

_ Vừa khít khịt. Ở đâu ra vậy?

_ Bố Phú xí cho đấy.

_ Áo Cụ Đội đâu mặc vào cho anh em nghía tí coi!

_ !!!???!!!


Hai anh em ruột Kim Văn Toan, Kim Văn Nam trông lù khù như hai thày dòng Xitô cũng được mẹ sắm cho áo dòng mới cáo.


Các thày lớp MVN


Bà già Huấn và Hiệp Láu làm thành cặp giúp lễ rất xứng đôi. Cao lòng thòng, ốm tong teo, mặc áo dòng cứ như bơi trong bồn nước đen. Thầy Hiệp Láu để nguyên áo dòng, láu táu chạy sang phòng Cư Tròn, tranh thủ hát bài “Xuân Hòa Bình Tự Do” mới ra lò. Cư Tròn cởi trần trùng trục đang đập trống thùm thụp ở góc nhà: “Xác thịt - dung dung tục- Xác thịt - ôi ô nhục…” Bộ trống của thầy nếu còn đến nay cũng thành đồ cổ giá trị lắm. Tất cả toàn đồ phế thải: xô lủng, nồi vỡ, chổi hư, vung nồi rách. Hay nhất là chiếc chổi cùn, thầy tháo bớt dây kẽm, cho xổ ra ít cây ở cán, đập dùi vào cứ nghe “chanh chách chanh chách” chẳng khác nào tiếng trống caisse claire. Sau một ngày làm rẫy cực nhọc, thầy leo lên trống khua inh ỏi vang vọng cả Chủng viện, làm anh em cũng vui lây: “Xác thịt- dung dung tục- Xác thịt- ôi ô nhục…” Thấy trống đàn ầm ĩ, tôi nôn nao cả người, liền chạy sang ôm đàn hát trình làng bài “Xuân Đang Về”, bài hát mới viết, mực vừa ráo hoảnh.


10g đêm tôi leo lên giường, trằn trọc mãi không chợp được mắt. Chủng viện có 50 thầy, 49 thầy có áo dòng, còn mỗi mình mình. Không lẽ đến trình Đức Cha: “Thưa cha con không có áo mặc”.


Sáng hôm sau, tôi xin cha Giám Đốc Nguyễn Văn Trâm đi may áo dòng. Tôi đón xe than từ Long Khánh đi Hố Nai, rồi bắt xe Lam đi Biên Hòa.

_ Con về chơi hay có việc gì thế?

_ (gãi tai) Bố ơi, kỳ này Đức Cha cho con mặc áo dòng. Bố có cái… áo cũ nào không? (gãi tai)

_ Ừ ừ…Để coi.


Cha bố lạch bạch đi vào buồng, lục lọi hết tủ sắt này đến cái rương kia. Nửa tiếng sau, bố lôi ra một bọc ni-lông gói kỹ. Tôi sung sướng đem vào buồng mặc thử. Vải soa Thái-lan mỏng dính như tờ pơ-luya, chắc may từ hồi quốc vương Bảo Đại còn ở truồng. Tôi giũ áo ra xem: hàng trăm lỗ thủng như bầu trời đêm lấp lánh muôn vàn vì sao. Đó là chứng tích những lần bố châm lửa rít thuốc lào vặt trước và sau giờ chầu, giờ lễ. Tôi trịnh trọng mặc vào…Tạch…rẹc…tạch tạch…rẹc rẹc…Hồi hộp quá, mới thở mạnh một tí, chiếc áo đã téc ra từ hai nách, toạc xuống tới ngực. Vải mủn hết rồi! Tôi cẩn thận cởi ra, nhưng khi hai tay vừa tụt khỏi áo cũng là lúc chiếc áo biến thành một búi giẻ rách. Ôi chiếc áo dòng của tôi!


(Hình: Văn Cư)


Tối hôm đó trở về chủng viện, tôi than thở với anh giáo Hùng rằng không xoay đâu ra được chiếc áo. Anh lôi từ valise ra chiếc áo dòng cũ. Anh may áo mới rồi, vải xịn lắm, ly thẳng tắp. Thày Hùng mà, lúc nào đầu cũng láng coóng, mắt kính màu hồng, dùng toàn hàng xịn. Thày lại có tài làm thơ, tập hát cho các em Thánh Mẫu, hào hoa phong nhã số một. Chả trách nhiều em mê như điếu đổ. Toàn những em chân dài, tài sắc vẹn toàn, hoa khôi của đất Xuân Lộc.


Tôi hồi hộp mặc thử áo. Vừa vặn như “cậu nằm với mợ”.

_ Anh giáo để lại cho em chứ?

_ Ừ, thích thì chiều.

_ Nhiu dzậy ăn?

_ Ăn hem lấy giá bèo thôi…

Tôi cám ơn anh rối rít. Anh đúng là cứu tinh của tôi. Tôi kể lại chuyện cha bố cho chiếc áo tả tơi, n hem cười vỡ bụng. Cụ Ba Khang vừa chùi bọt mép vừa hỏi, giọng ồ ồ:

_ Rồi sao, có trả lại áo cho bố không?

_ Không, em không nói gì cả, chỉ cám ơn bố rồi đi. Cũng may, bố chẳng hỏi áo mặc có vừa không. Nói thật mất lòng, nói dối không đành.


Thế là chiếc áo của anh giáo Hùng theo tôi suốt 10 năm tu trì (1975-1985). Tôi thích chiếc áo vì nó mỏng, nhẹ, mát, giặt mau khô. Thích nhất là không phải ủi. Đi đâu cứ vo viên bỏ giỏ. Mở ra, giũ giũ vài cái, mặc vào là phẳng, chẳng cần là ủi bao giờ.


Năm 1980, sau cú vượt biên đổ bể, tôi trở về gia đình làm thầy giáo làng, sáng cho rước lễ, ban ngày dạy học, làm rẫy, tối tập hát ca đoàn. Thời gian này tôi viết nhạc thật nhiều. Nhạc hứng ở đâu cứ ra ào ạt. Đây là thời vàng son trong cuộc đời sáng tác của tôi. Cứ hai hoặc ba ngày, một tác phẩm mới ra đời. Có khi mỗi ngày một bài. Thời gian viết nhạc giáo lý cho Uỷ Ban Giáo Lý Giáo phận, có ngày tôi đạt kỷ lục: 8 bài một ngày. Viết xong một bộ (60-70 bài), người khờ ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như tâm thần, phải nghỉ ngơi mấy tuần mới hoàn hồn…Làm nghệ sĩ phải mộng mơ, tự do bay bổng. Bay bổng trong chiếc áo dòng thật không hợp chút nào, với vô vàn điều cấm kỵ, cứ như con chim được tự do bay bổng trong lồng. Trong khi đó, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy mây mù giăng mắc, không thấy một tia bình minh le lói nào… Thế là tôi quyết định cởi áo dòng.


(Hình: Văn Cư)


Áo dòng mặc vào đã khó, cởi ra còn khó hơn nhiều. Một ông thầy giúp xứ xa nhà, có xuất tu về quê cũng nhẹ nhàng thôi, chẳng ai biết đấy vào đâu. Giúp xứ nhà, xuất ra là cả một thử thách cam go. Không có can đảm, không có ý chí nghị lực thì không quyết định nổi.Tôi phải chiến đấu với bản thân và gia đình mấy năm trời mới dám dứt khoát. Dằn vặt, khổ sở vì chữ hiếu là điều khó khăn nhất. Suốt 17 năm nay, thầy mẹ đặt hết hy vọng vào con, dành cho con những phần tốt nhất, hơn hẳn anh chị em khác. Nhà làm nông, nuôi 9 đứa con ăn học, chẳng khá giả gì, thế mà năm 1969, mẹ mua cho tôi chiếc valise Hồng Kông khá đắt tiền. Đến nay, con học xong “Lý Đoán”, về giúp xứ nhà, thầy mẹ được mọi người gọi là “ông bà cố”, nở mày nở mặt với láng giềng.


Đùng một cái, con cởi áo xuất tu, thầy mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ.


(Hình: Văn Cư)


Sau khi tôi “tu xong” được ít bữa, thầy tôi không đi lễ xứ nhà nữa. Hỏi ra mới biết: có lần thầy đi lễ về, ông kia chào “chào ông cố ạ”. Thầy xấu hổ quá, bỏ sang đi lễ bên Gia Yên mấy năm. Còn mẹ tôi thì khỏi nói. Bà cầu nguyện, khuyên răn và vận động cho tôi “ăn năn giở lại với Chúa”.Tôi quen với em nào cũng bị chê ỏng chê eo và phá đám đủ kiểu. Thỉnh thoảng bà lại vào nhà Dòng xin các dì cầu nguyện và dụ dỗ cho cháu “ăn năn giở lại”.


Một buổi chiều, bà cầm áo dòng của tôi ra, tay lăm lăm con dao sắc lẻm.

_ Mẹ làm gì vậy?

_ Không mặc nữa thì cắt ra lấy vải may áo mặc.

_ Mẹ đừng cắt, cứ để đấy cho con.


Chắc hẳn, đây là phép thử của mẹ, xem tôi còn chút tiếc nuối nào không.


Lãnh tác vụ Đọc Sách


Những ai đã từng “ăn cơm nhà Đức Chúa Giời” đều biết điều này: “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”. Trung bình 1/10. Tôi hiểu rằng tới đây Chúa muốn tôi theo con đường khác, phục vụ Giáo Hội bằng cách khác. Nếu cứ cố đi tiếp con đường tu trì, tôi sẽ khổ suốt đời, sẽ “phá bĩnh”, làm ô danh Giáo Hội, phần rỗi của tôi cũng không bảo đảm. Vì vậy, dù rất yêu mến Giáo Hội và thương cha thương mẹ, tôi phải đành lòng ra đi. Khi đã quyết định dứt khoát, tôi được ơn bình an lạ lùng.


Hiện nay, tôi vẫn giữ chiếc áo dòng như một cổ vật vô giá. Mỗi lần ngắm lại chiếc áo lịch sử, tôi có thể tự hào: suốt 17 năm tu trì và 10 năm mặc áo dòng, tôi không để lại tai tiếng nào cho Giáo Hội. Chiếc áo dòng của tôi vẫn còn trong trắng.


Hai bên tả hữu Trung, Cư xí mất

25 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page