top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

14. Cổ Vật TCV Xuân Lộc (2)

Updated: Jun 23, 2020

NHỮNG GIAI ĐIỆU KHÓ QUÊN


1. NHẠC ĐẠO: Đã từng một thời tu học tại TCV XL, không ai có thể quên những bản thánh ca sau đây:



Như Một Ngọn Nến, Người Của Chúa. Đây là 2 bản thánh ca do chính cha GĐ sáng tác và đích thân người tập cho chủng sinh. Vài ba tuần một lần, giai điệu 2 bài này lại vang lêntrong giờ cám ơn rước lễ. Lời bài hát thật tâm tình, lột tả ước nguyện cháy bỏng muốn dấn thân làm LM cho Chúa.



* Cha giáo nhạc sĩ Phạm Liên Hùng cũng để lại trong ký ức học trò nhiều bản thánh ca như : Bước vào, Dâng lên trước thiên tòa, Sung sướng biết bao, Khi chiều lắng buông…

* Đâu Có Tình Yêu Thương của cha Vinh Hạnh: bài hát nhắc nhớ những buổi tối thứ năm “Họp bạn Chúa Hài Đồng”. Anh em quây quần bên tượng Chúa Hài Đồng, cùng giúp nhau sống tốt hơn.


* “ Lạy Mẹ yêu dấu, nay chúng con ra đi…” – nhạc Pháp, lời Việt: cha Linh Hướng và cha GĐ. Trước lúc lên đường đi nghỉ, tất cả chủng sinh xách đồ vô nhà nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, xin Mẹ thương che chở chúng con như đàn chiên nhỏ lạc giữa bầy sói. Giai điệu “nghiêm trọng”, có thể so sánh phần nào với bài My Heart Will Go On trong phim Titanic. Anh Phương lớp Vô Nhiễm là người hát solo hay nhất, làm không ít kẻ rơi nước mắt, nhất là những anh em sắp vĩnh biệt mái trường chủng viện thân yêu, ra đi không hẹn ngày về.

* Bài ca bất hủ: Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ, bài hát cuối cùng trong ngày, hát lúc dâng mình trước khi đi ngủ. Lời và nhạc thật đơn sơ nhưng đầy tình cảm khiến các chú vừa nhớ đến Mẹ Maria vừa nhớ về người mẹ thân yêu ở quê nhà. Cha giáo Lâm Văn Thế kể chuyện: “Mình đi tù, ở cùng trại với cha Phương Linh, tác giả bài “Mẹ ơi con yêu Mẹ”. Ngài cũng là tác giả bài Cầu xin Chúa Thánh Thần và nhiều bài khác về Đức Mẹ. Ngài bị bắt đi cải tạo lúc đang làm giám đốc trường Vinh Sang.

Hôm nay, bài này thành bản nhạc truyền thống của anh em CCSXL. Mỗi lần gặp nhau, anh em không thể chia tay nhau được nếu chưa hát “Mẹ ơi Con Yêu Mẹ”.


Anh Hai Ngô Công Sứ mới kể: “Người lên xe hoa trễ nhất lớp Toma là anh Bình Chầy. Sau lễ cưới, anh chị đến dâng mình cho ĐM, anh em lớp cất hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ” khiến chú rể không thể cầm được nước mắt”. Giọt nước mắt lóng lánh vừa phản chiếu niềm vui đang được hưởng bên người yêu dấu vừa gợi nhớ những năm tháng tươi hồng trong chủng viện. Con trai nhà Phao-lô hóa ra “mít ướt” hơn con gái.

* Ngoài ra còn hàng trăm bản thánh ca trong các tập Khúc Nhạc Vàng, Chúc Tụng Chúa 1,2, Tuyển tập Bài Ca Mới ,Alleluia Chúc Tụng Chúa, Ca Tụng Chúa …

* “Chúa ơi, con hướng lòng lên với Chúa. Nguyện xin giúp con sống vừa ý Chúa trong giờ này”.Câu nhạc này không phải là thánh ca nhưng đầy tâm tình đạo đức. Nó như lời nguyện tắt, bổ sung cho linh đạo “Sống thánh giây phút hiện tại”. Trong giờ học riêng tại hội trường, thỉnh thoảng chánh tràng lại cất lên để anh em thánh hóa công việc đang làm. Những lúc mọi người chia trí, nhốn nháo, ồn ào, bài hát cất lên như lời kêu gọi lập lại trật tự. Rất đơn sơ nhưng vô cùng hiệu quả. Cả hội trường lại im phăng phắc.


2. NHẠC ĐỜI:

(Hình: Trần Quốc Việt)


Cha Lâm Văn Thế phụ trách tập hát nhạc đời cho chủng sinh. Ngài chọn những bài mới nhất và hay nhất. Đứng đầu là nhạc Du Ca – phong trào âm nhạc đang thịnh hành thời ấy. Hôm nay, mỗi lần gặp nhau, có ai cất lên anh em vẫn hát ngon lành: Nối vòng tay lớn,VN quê hương ngạo nghễ, Trả lại tôi là tuổi trẻ, Về với mẹ cha, Ông trăng xuống chơi, Em nghe gì không hỡi em, Từ Nam quan Cà Mau…Ngoài ra, những bài sau đây cũng để lại không ít ấn tượng trong lòng anh em: Xuân Về của Bình Trang, do ca đoàn Hồn Nước hát, Hương Quê – Hải Linh, ca đoàn Hồn Nước, Hè về - Hùng Lân…

Loại nhạc đời anh em dễ hát và nhớ lâu nhất là nhạc sinh hoạt. Hôm nay, những dịp họp mặt, chúc mừng lễ này lễ nọ, chánh Quang vẫn thường phất nhịp cho anh em hát lại những bài: C H À O M Ừ NG, Gần Nhau, Hôm Nay Ngày Vui Thú Tưng Bừng, Tang tang tang tình tang tính,Gặp nhau đây rồi chia tay,Nào bề đây ta họp đoàn cùng nhau,Anh em ta về,Cùng quay quần,Phồn ơi ma đuôi căng, Ra mà xem, Tung lên trên trời xanh,Xin chúc cha một mùa xuân…

3. NHẠC CLASSIC: những giai điệu Cổ Điển tuyệt đẹp ấy vang lên từ gác đàn nhà nguyện trước thánh lễ và lúc rước lễ chúa nhật, lễ trọng hay giờ chầu Thánh Thể, qua 10 ngón tay điêu luyện của các nhạc công: Bình Chầy, Vương Vĩnh Phúc, Tâns. Những bản nhạc không lời thuộc diện “Hàn lâm” ấy tưởng rằng “vào tai này chui ra tai kia”, nhưng không, bằng chứng là những files mp3 cha Tâns biểu diễn mấy bài đó được anh em ta chiếu cố tận tình. Nhiều người muốn nghe để được sống lại không khí sốt sắng của giờ lễ, giờ chầu thời chủng viện. Có người còn cố tập chơi lại những bản nhạc đó, dù mắt đã mờ, tai hễnh hãng, ngón tay sù sì chai cứng hết rồi.


(Hình: Văn Cư)


Chủng viện có hai cây đàn Harmonium hiệu Yamaha. Cây khá hơn đặt trên gác đàn. Chỉ có cha giáo nhạc Phạm Liên Hùng và mỗi lớp một nhạc công được chơi cây đàn này. Cây thứ hai đặt trong phòng cha giáo Hùng (?) để các trò tập luyện. Mỗi lớp chỉ có một trò được học đàn. Còn các trò khác thì học “đàn giấy”. Vẽ phím đàn trên tờ giấy bìa, tay bấm, miệng kêu. Học kiểu này râu dài tới rốn cũng chả chơi được bài nào.


Một buổi chiều, giờ chơi, thằng bé phụ trách quét nhà nguyện. Nó quét vội quét vàng rồi leo lên gác đàn chơi thật nhỏ. Hồn nhạc đang vi vút bay lên tới tháp chuông thì một bóng áo chùng thâm đứng lù lù sau lưng. Thằng bé quên rằng Cha GĐ là một nhạc sĩ, có đôi tai rất thính. Nó bị nhéo tai cảnh cáo. Thôi, đành để dành kỳ hè tập vậy.


Thánh Phaolô Quan Thày

và cánh buồm trên nóc TCV Phaolô Xuân Lộc.

9 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page