top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

12. Niềm Vui Giáng Sinh

Updated: Jun 23, 2020



Chẳng hiểu sao hồi bé thấy thời gian đi qua chậm quá. Từ đầu mùa Vọng tới lễ Giáng Sinh có 4 tuần lễ mà thấy nó dài như hàng thế kỷ. Hồi ấy Gia Kiệm còn nhiều rừng nên cuối năm trời trở lạnh. Không khí Sinh Nhật (Thời ấy gọi Noel là Sinh Nhật), cùng với tiết trời se lạnh len nhẹ vào da thịt. Trẻ con bắt đầu náo nức trông chờ mùa đẹp nhất, vui nhất và thánh thiện nhất trong năm. Chúng đếm từng ngày…


Bắt đầu tuần lễ thứ 3 Mùa Vọng, nhà thờ mới trang hoàng đèn đóm và làm hang đá. Đèn chỉ độc một kiểu: ngôi sao năm cánh phất giấy xanh đỏ, không bắt đèn bên trong nhưng học trò tiểu học trường nhà xứ vẫn thấy nó đẹp lung linh làm sao! Hang đá cũng vậy, hết năm này qua năm nọ chỉ có một mốt duy nhất do một người thiết kế và thi công. Ông già lấy những cây tre lớn, chẻ ra làm sườn hang đá. Ông lấy giấy xi măng quét màu đen, khum lại thành từng “cục đá” to nhỏ khác nhau rồi gắn lên sườn tre. Hang đá to lù lù chiếm hết một góc cung thánh. Mốt này các cụ đem từ ngoài Bắc vào, chắc từ thời các cố Tây sang ta truyền đạo. Bộ tượng thật là hoành tráng, to như em bé. Thằng bé Loi thích nhất là hình Thiên Thần bằng giấy. Ông (hay bà) nào ông nấy mặt mày mũm mĩm, tóc xoăn tít, không có thân mình hay tay chân, chỉ có đôi cánh cũn cỡn như chim cánh cụt. Các vị đậu cheo leo trên vách đá.

Thằng bé liền về nhà làm hang đá theo kiểu ông già. Nhưng hang đá của nó nhỏ hơn nhiều, chỉ to bằng cái thúng. Thế mà phải mất mấy ngày mới xong. Đi học về, nó quẳng cặp lên giường, lao vào làm thật say sưa. Hang đá tạm xong. Nó xin mẹ tiền để mua bộ tượng Sinh Nhật. Mỗi vị chỉ nhỉnh hơn ngón tay một tẹo,đường nét không sắc sảo nhưng như vậy là mãn nguyện lắm rồi.

Về phần ánh sáng, nó nhờ ông anh xin cho mấy cục pin nhà binh. Làm gì có pin cối như bây giờ. Gọi là “pile” vì gồm nhiều miếng bằng bột than xếp lớp lên nhau, có thể bẻ ra thành mấy cục. Lấy dây kẽm làm dây điện. Bóng đèn 1,5 hay 2 -3 volt tháo từ đèn xe đạp. Thằng bé có kiểu thử pin rất đơn giản và hiệu quả: thè lưỡi ra nếm đầu dây điện. Nếu thấy tê tê là OK.



Những ai đã từng ăn cơm nhà Đức Chúa Giời trong TCV Phaolô đều thuộc nằm lòng những khẩu hiệu làm kim chỉ nam cho đời tu trì. Mùa nào thức nấy. Mùa Giáng Sinh thì có NIỀM VUI GIÁNG SINH. Mùa Chay, Phục Sinh thì có CÂY NẾN PHỤC SINH. Quanh năm tứ thời bát tiết ai lại không nhớ câu tâm niệm SỐNG THÁNH GIÂY PHÚT HIỆN TẠI. Chú nào chú nấy viết vào miếng giấy, kẹp vào sách vở cho dễ nhớ. Chú khác chu đáo hơn trình bày thật bắt mắt vào miếng giấy bìa, dựng ngay trước mặt cho khỏi quên.

Ý nghĩa của Niềm Vui GS là làm thật nhiều việc lành phúc đức để làm quà dâng Chúa Hài Đồng. Cụ thể là làm những việc đạo đức thật sốt sắng, chu toàn việc bổn phận cho chu đáo, gia tăng hy sinh và bác ái. Đấy là những món quà nho nhỏ dâng lên Chúa. Đấy cũng là niềm vui trong đêm Chúa giáng trần.



Ngoài cái “chiến dịch” đạo đức dễ thương đó, trong mùa Vọng và Giáng Sinh, chủng sinh còn có nhiều niềm vui khác.

Miền Đông Nam Bộ quanh năm nóng bức, tới mùa Gíang Sinh hơi lạnh tràn về. Đôi khi thức dậy thấy sương phủ trắng xóa. Vài người khoác áo lạnh. Sáng hôm sau lạnh hơn, nhìn ra trường Nông Lâm Súc không còn thấy màu nâu quen thuộc. Các cô cậu học trò khoác lên mình áo len áo ấm đủ màu.

Nhạc Giáng Sinh bắt đầu ngự trị trong các quán cà phê, trong mọi xóm ngõ. Nhà nào có dàn Akai thì mở hết công suất cho xóm giềng nghe ké.


Trong Chủng viện, các chú không được nghe loại nhạc “ba rọi” nửa nạc nửa mỡ, nửa đạo nửa đời ấy. Những bài như Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mùa Noel,Dư Âm Mùa GS.. .Chúng nó chỉ lợi dụng hơi hám của Chúa để yêu nhau sướt mướt, yêu nhau say đắm, yêu nhau quằn quại. Vì vậy chủng sinh mà nghe loại nhạc này thì “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”. Các đấng các bậc trong Hội Thánh chỉ cho các chú nghe thánh ca thuần túy, hay nhạc GS ngoại quốc.



Chiều về, mọi người vào nhà nguyện hát kinh tối với giai điệu Bình Ca khó quên: “Vua muôn dân sắp đến gian trần, ta mau đến tôn vinh Người…”

Hết mùa Vọng, sang mùa Giáng Sinh, tiếng đàn Harmonium réo rắt với bài thánh ca Latinh bất hủ Adeste Fideles. Về thánh ca, không thể bỏ qua những bài đầy ắp kỷ niệm như Hang Bêlem, Mùa Đông Năm Ấy, Kìa Trông Huy Hoàng Vì Sao, Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên,Tiếng Hát Thiên Thần …


Đêm GS cả Chủng viện đi rước kiệu Chúa Hài Đồng.Chủng sinh áo trắng trong quần tây, chân giầy tây xếp thành hai hàng đi rước kiệu, miệng hát thánh ca du dương. Cảnh tượng chẳng khác gì trên cõi Thiên Đàng. Ngày ấy nếu ai quay được cảnh đó,bây giờ bán bao nhiêu tiền tôi cũng mua...


(Hình: bé Mai)

4 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page