top of page
Search
  • Writer's pictureMai Nguyên Vũ

1. Tớ Đi Tu

Updated: Jun 23, 2020


Ngay từ lúc lên 4 lên 5, tôi thường theo mẹ đi lễ chúa nhật. Các bà mẹ dẫn theo con nhỏ thường đem chiếu manh - một loại chiếu nhỏ - trải ra ngồi giữa lòng nhà thờ hay phía cuối nhà thờ. Các em nhỏ nô đùa quanh mẹ, chẳng để ý gì tới lễ lạy. Tới lúc rước lễ, mẹ và các bà quì gối, chắp tay rất trang nghiêm đọc kinh gì dài lắm, tôi chỉ nhớ cứ đến cuối câu lại ngân “i iềng”.

Thời đó chưa có điện. Nhà thờ thắp đèn dầu, đốt nến tù mà tù mù. Hệ thống âm thanh cũng chưa có. Mỗi lần giảng, cha đi xuống, leo lên bục giảng như chiếc vành móng ngựa kê giữa nhà thờ. Cụ cố quát thật to nhưng ngồi xa chẳng nghe thấy gì, chỉ thấy người khua chân múa tay. Lễ làm bằng tiếng Latinh, cha quay lên, xì lồ xì lào với đám giúp lễ, giáo dân chẳng hiểu mô tê gì. Tình hình đạo nghĩa như thế, chẳng có gì hấp dẫn một đứa trẻ.

Sáu tuổi, tôi vào học trường nhà xứ. Các thày dạy học cũng là ông quản tại nhà thờ. Nhiều ông dữ như ông kẹ, lúc nào cũng lăm le chiếc roi mây, sẵn sàng vút xuống đầu xuống lưng đứa nào nghịch ngợm.



Cha Phó cũng chẳng kém. Người nóng như lửa, đánh học trò rất hăng. Trưa thứ năm sau buổi học, đích thân người tập hát. Người bắt tất cả những trò không đưa vở chép bài hát lên nằm trên cung thánh. Trận mưa roi kéo dài tới 20 phút vì có mấy chục đứa bị phạt. Mặt người đỏ gay trông rất dữ tợn, cổ col văng cả ra… Không thể trách được các vị vì châm ngôn giáo dục thời ấy là “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đạo như thế, các cha như thế, vậy cái gì hấp dẫn khiến tôi đi tu?




Mỗi kỳ lễ tết, các thày và chủng sinh về nhà nghỉ. Tôi mê nhất một chú chủng sinh. Chú đẹp và có nét thánh thiện như thiên thần. Môi đỏ, da trắng hồng, ăn mặc tươm tất. Giờ lễ, giờ chầu, chú quì nghiêm trang trên gian cung thánh, có khi quì dưới với giáo dân. (Hiện nay chú là Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn). Nhưng chỉ thích vậy thôi. Không quen một chủng sinh, hay cha thầy nào, cũng chẳng ai khích lệ đi tu. Cuối năm lớp nhất - lớp 5 bây giờ - một thày mặc áo dòng vào đọc thông báo của địa phận: “Trò nào muốn đi tu dâng mình cho Chúa thì về xin cha mẹ rồi làm đơn đi thi”.Thằng bé về xin mẹ đi tu. Mẹ OK liền.


Tới ngày dự thi, tôi cùng 500 bạn khác tụ tập về chủng viện Phước Lâm tham dự ba ngày thi tuyển. Chủng viện không đủ giường, một số bạn phải sang ngủ nhờ bên trường học Phước Lâm. Địa phận Xuân Lộc gồm ba tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy. Nhiều thí sinh từ Sài Gòn cũng qua thi. 500 thí sinh được các cha tuyển chọn từ các giáo xứ. Chỉ có 70 tên trúng tuyển, cộng thêm Vũ Đức Hiệp vào thay anh Vũ Đức Nam mới qua đời.


Tôi còn nhớ đề thi môn Văn: “Cuối năm học em được xếp hạng cao. Chú thưởng cho em chiếc bút máy. Hãy viết thư cám ơn chú”. Vào năm học, tôi lượm được bài văn của mình trong thùng rác, điểm khá cao. Thời ấy, học trò lớp 4, lớp 5 có thể viết văn thuộc mọi thể loại.



Từ thuở lọt lòng mẹ tới lúc đi tu, thằng bé Loi chưa đi đâu xa nhà 3 cây số, chưa ngủ ở đâu ngoài ngôi nhà mình. Vì vậy ngày tựu trường năm 1968 là một biến cố trọng đại nhất trên đời.


Đoạn đường dài hàng trăm cây số là trải nghiệm đầu tiên về khoảng cách địa lý xa xôi. Chiếc xe Đức Hòa to lớn, sang trọng của ông Nhiễu – ông cố cha Thành (rip) – đưa nó đi qua những vùng đất lạ hoắc: Dầu Giây, Trảng Bom, Hố Nai, Tam Hiệp, Long Thành, Bà rịa, Long Điền, Phước Lâm.

Trải nghiệm thứ hai là đất đai, khí hậu vùng miền. Vừa đặt chân xuống sân chủng viện, mình cảm thấy ngay một sự khác biệt về thổ nhưỡng: vùng này không có đất, chỉ toàn cát là cát, không như đất Gia Kiệm đỏ au nắng bụi mưa lầy. Được cái sạch sẽ, nhưng cây cối không tốt bằng ở quê mình. Cây cối ngó quanh chỉ thấy khoai lang, củ mì và na…Tới mùa gió biển, gió thổi cát bay vù vù. Cát thổi rát mặt, chui vào mắt, vào lỗ tai. Bàn ghế, giường chiếu phủ toàn bụi cát. Không biết ai bày ra cái trò này, sau bữa cơm, anh em đem đĩa ra sân, lấy cát rửa qua một lần rồi mới rửa bằng nước. Riêng cụ Hiệp Láu nhà ta thì bỏ qua công đoạn này vì còn phải phóng nhanh đi đập bàn xí chơi ping pong (bóng bàn).



Trải nghiệm thứ ba là nhà cửa. Hồi ấy sao thấy Chủng viện to quá. (Về sau có dịp về thăm Chủng viện lại thấy nó bé tẹo bé teo). Ba dãy nhà hình chữ U hướng ra phía nhà thờ Phước Lâm. Đâu đâu cũng quét vôi trắng tinh, không đen đủi như ngôi nhà gỗ của mình. Hè đầu tiên về nhà, thằng bé thấy đâu đâu cũng bụi bặm bẩn thỉu. Nó lau dọn hết mọi xó xỉnh, lôi hết mùng mền chăn chiếu ra giặt. Mẹ đi chợ về thấy thế liền chửi cho một trận nên thân. Đấy là cái hội chứng “ngứa mắt”,ở nơi sạch sẽ một thời gian, về lại chốn cũ ngó đâu cũng thấy vi trùng…



Trải nghiệm thứ tư là biển. Sau một ngày học hành vất vả, cả chủng viện lại kéo nhau đi bộ ra biển. Anh em hay gọi đó là “giờ chơi buộc” vì bắt buộc phải đi chơi, cũng như sáng chúa nhật là phải “tắm buộc”.Đấy là vốn từ cổ của các đấng Phát Riệm nhà ta.


Lần đầu tiên thấy biển. Từ xa biển như rừng cao su ở quê nhà. Đến gần thấy sợ vì cả một khối nước lù lù trước mặt, sâu thăm thẳm và đầy đe dọa. Từng đợt sóng nhỏ dung dăng dung dẻ dắt tay nhau vào liếm láp bờ cát. Bọt tung trắng xóa. Khi lèo xèo sôi sục, lúc rì rầm tâm sự. Những ngày biển động, cả khối nước đục ngầu, giận dữ, điên cuồng như con mãnh thú đang gầm gừ chực ăn tươi nuốt sống người ta. Gió rít từng hồi. Sóng bạc đầu cao ngất như bức tường dài thi nhau đổ xuống. Trời đen ngòm. Biển đen ngòm. Cảnh vật y như ngày tận thế.


Những ngày nắng đẹp, trời xanh rờn, biển cũng xanh rờn vì biển phản chiếu bầu trời. Anh em kéo nhau xuống tắm, bơi lội, nô giỡn thật vui. Những ngày “giở giời”, nghêu ở đâu nằm đầy dưới bãi cát. Cha con, thầy trò đem sô chậu đi bắt. Cứ cào cát ra là bắt được vô số. Bữa cơm chiều lại có món canh nghêu thật là ngọt. Ngày khác lại có loài hến nhỏ như móng tay. Có anh bắt về, lấy lon sữa bò làm nồi, đốt nến làm bếp, luộc lén ở nhà giặt. Ngon quên chết, nhưng phải sơi cho lẹ. Các thày mà bắt được thì xách va-li về sớm.



Năm ấy thầy Sơn đang giúp xứ Phước Lâm. Thầy kiêm luôn quản lý Chủng viện. Hằng ngày thày lái xe đi chợ. Thịt cá mua tại chợ Phước Tỉnh, còn rau quả phải mua ở chợ Sặt mới có rau quả tươi. Đầu bếp là dì Ga và dì Ro dòng Đaminh Phước Tỉnh. Nói chung món ăn đủ chất và ngon miệng. Hai bữa chính bao giờ cũng có 3 món: mặn (thịt, cá, trứng), xào, canh. Món Tloi thích là sữa heo. Phải dứt sữa sớm, xa mẹ nên chú nào cũng khoái món này. Sáng nào được ăn cơm với sữa heo coi như đại lễ. Mọi nồi cơm bị cạo sạch sành sanh. Bữa tối hôm nào được một quả trứng vịt luộc thì ôi thôi, các bàn gọi nhau í ới xin cơm và nước mắm. Đôi khi cũng có vài hạt sạn trên bàn cơm như dưa giòi, nước mắm giòi. Chẳng sao cả, cứ việc sơi. Có khi vì vậy mà các chú khỏe hơn, học giỏi hơn chăng. Món nhớ đời là muối mè. Món này theo đuổi anh em chủng sinh Xuân Lộc từ Phước Lâm cho tới Long Khánh. 10 ngày thì có tới 8 ngày ăn cơm sáng với muối mè. Ăn nhiều quá phát ngán, cứ như nhai mùn cưa. Ngày nay, Tloi thi thoảng sơi cái món “quốc hồn quốc túy” đó để nhớ những ngày ăn cơm nhà Đức Chúa Giời nhưng có cải biên thành muối lạc thơm ngon hơn.


Món nhớ đời thứ hai là “canh toàn quốc”. Phải xắn quần tới… chốn, mò đúng 10 phút may ra mới vớt được tí cái.


Mình nhớ mãi hai bữa cơm sáng hôm ấy. Nồi cơm nhỏ xíu cho 4 tên. Ba tên kia vét cơm sạch sẽ. Tới lượt mình chẳng còn hột nào. Thằng bé ngồi nhìn anh em ăn, tủi thân, đói, khóc quá trời. Những ngày đầu một số người còn sống “hoang dã”, chưa biết nghĩ đến anh em. Cũng tại mình “thỏ đế” quá, không dám trình bề trên xin thêm cơm.


Ngày ấy cha GĐ mấy lần thuê dàn về giộng giếng nhưng không có nước. Mới đây ngài kể: “Cha phải mua nước ăn ngoài Long Điền”. Còn nước tắm giặt, các chú dùng tạm nước có lẫn nòng nọc được chú Chôm bơm máy Kohler từ chiếc ao trâu đằm ở phía sau Chủng viện. Vài người kể là có thấy trâu xuống tắm dưới ao. Chính mắt mình thì chưa thấy. Thôi kệ. Cứ tắm, giặt, súc miệng, rửa mặt, có chết ai đâu.


Hồi đó tôi có hai thằng bạn cùng xóm, thân thiết như anh em ruột, lúc nào cũng khắng khít bên nhau.Sáng sớm rủ nhau đi lễ rồi đi học. Chiều đi tắm suối, bắt cá, leo cây bắt nhện, bắt chim và bày ra đủ loại trò chơi. Phải nói là tuổi thơ của tôi rất đẹp và hạnh phúc. Trong nhà tôi được yêu thương và chiều chuộng nhất vì ngoan ngoãn và học giỏi. Thế mà đùng một cái dứt bỏ tất cả, ra đi về phương trời vô định.


Xuân Dung, người mẹ hiền đích thực của nhà Phaolô băn khoăn: mới tí tuổi đầu mà phải xa nhà như thế, có nhớ nhà, có khóc, có sợ ma không? Thưa rằng nhớ nhà lăm lắm. 50 năm rồi mà vẫn không quên cảm giác nhớ nhà, day dứt, da diết, dai dẳng còn hơn cả nhớ người yêu.

Đêm nằm trùm chăn nhớ cha nhớ mẹ, nhớ anh chị em, bạn bè, khóc là bình thường. Không dám khóc to sợ anh em cười, sợ cha giám luật bắt được.


Kỳ nghỉ đầu tiên, tôi ngồi kể lể cho cả nhà nghe nỗi nhớ nhà và những gian khổ trong Chủng viện. Chị cả rươm rướm nước mắt thương em, khuyên em nên ở nhà, đừng đi nữa, nhưng tôi vẫn quyết chí theo đường đã chọn. Cho tới hôm nay, 60 tuổi đầu, tôi cũng chưa trả lời được câu hỏi “tại sao tôi đi tu?”. Có lẽ phải dùng câu giáo lý sau đây mới trả lời được câu hỏi đó: “Hỏi ơn kêu gọi là gì? Thưa là lời Thiên Chúa mời gọi mỗi người vào một bậc sống nào đó, thường được hiểu là ơn gọi làm tu sĩ hay giáo sĩ”.Vậy là chính Chúa kêu gọi tôi bỏ nhà đi tu, đúng như lời bài hát của ns Miên Ly: “Từ thuở hoang sơ nào, mặt trời chưa ra đời…”


Sau này lớp Toma Thiện về họi lớp tại chủng viện xưa hai lần. Lần đầu được gặp lại đúng hai vị coi xứ Phước Lâm là cha Đoàn và cha Sơn. Chủng viện hoang phế nhưng còn tới 80%. Cha cố Đoàn - mới đi cải tạo về - sung sướng dẫn anh em đi xem chiếc giếng khoan gần cổng Chủng viện. Nước ngọt ở đâu phun ngày phun đêm lên tới gần miệng giếng. Thế mà hồi xưa không biết, cứ khoan ở phía nhà bếp nên không có nước.


(Hình: Văn Cư)


Năm sau, lại về họp lớp tại Phước Lâm. Cha cố Đoàn đã thành người thiên cổ. Chủng viện chỉ còn 40%, sắp thành nhà hưu cho các cha. Hôm nay mái trường xưa không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm.

Mời anh em về thăm lại Chủng viện xưa do anh hai BS Đinh Cường thu hình năm 2005.

46 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page